Dân tộc Mường trên đất Đồng Nai tập trung đông nhất ở huyện Định Quán thuộc các xã Túc Trưng, Phú Túc, Phú Cường, Suối Nho …thành các làng người Mường. Nhà sàn của người Mường là nơi thể hiện không gian văn hóa một cách đầy đủ, rõ nét những phong tục tập quán gắn với dân tộc Mường nhằm mục đích lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường.
Nhà sàn của người Mường làm từ các chất liệu gỗ, lá tranh, sơn công nghiệp, keo dính, … Nhà ba gian hai chái, kết cấu chiều cao gồm gầm nhà, sàn nhà và mái nhà, khung nhà có 12 trụ làm bằng các cột gỗ tròn, hai vì kèo, nhà 4 mái lợp bằng cỏ tranh đan thành từng phên. Mặt trước ngôi nhà tạo cửa sổ ở ba gian và chái phải, trên cửa sổ gian chính giữa lập bàn thờ lồi, cửa lớn ở hai bên nối thông với hai chái. Bên trong, bên ngoài và dưới gầm nhà treo, gắn các mô hình hiện vật tiêu biểu như bàn thờ, cặp dao, cặp điếu, nỏ, cồng chiêng, rượu cần, lưới, nơm, cày bừa, cối xay, con trâu nhằm biểu thị cho đời sống tâm linh, đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ, ẩm thực, kinh tế mang tính đặc trưng nhất của cộng đồng dân tộc Mường.
Với kết cấu nhà ba gian hai chái, có gầm nhà, sàn nhà và mái nhà tạo thành một thể thống nhất hình con rùa – vốn là biểu tượng linh thiêng của cộng đồng người Mường. Các gian, chái nhà được phân định mục đích rõ ràng như ba gian chính là nơi thờ cúng, tiếp khách, ngủ nghỉ, cầu thang và chái trái chỉ dành cho người đàn ông trong nhà và khách đi lên ngồi uống rượu cần trước khi vào nhà thể hiện truyền thống trọng nam và hiếu khách của người Mường, chái phải có cầu thang bên hông là bếp và dành riêng cho phụ nữ trong nhà. Kết cấu vì kèo với biểu tượng hình trái bầu hoặc bình rượu cần là hai hình tượng tiêu biểu về đời sống phồn thực, ẩm thực độc đáo trong văn hóa Mường.
Hiện nay mô hình nhà sàn của người Mường ở huyện Định Quán đã được phục dựng lại và được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Đồng Nai nhằm gìn giữ nét đẹp kiến trúc, văn hóa của người Mường ở Đồng Nai nói chung và huyện Định Quán nói riêng.
DH