Lễ vào nhà mới là tục lệ không thể thiếu khi dựng xong ngôi nhà mới. Sau khi làm nhà xong, người Chăm tiến tiến hành làm lễ mừng nhà mới. Thời gian làm lễ thường vào đầu giờ chiều từ 13 giờ đến 14 giờ. Trong ngày này, chủ nhà trang trí nhà thật đẹp, chuẩn bị một lò bếp, một hũ gạo, hũ muối để hành Lễ.
Theo quan niệm của người Chăm, việc dựng cột nhà rất quan trọng, có sự tham gia của cộng đồng, bản làng, sau khi chọn được vị trí dựng nhà ưng ý, gia chủ chọn ngày thuận lợi, khoảng 6 giờ sáng mời đại diện Ban giáo cả (sư cả đạo Hồi) và các thanh niên khỏe mạnh đến nơi dựng cột, thực hiện các nghi thức dựng cột nhà.
Vào ngày làm lễ mừng nhà mới, đúng giờ nam giới tới thánh đường cầu nguyện, nữ giới cầu nguyện ở nhà, sau đó tập trung tại ngôi nhà mới đón khách. Đến mừng tân gia, mọi người trong làng mang tới chủ nhà những vật phẩm cần thiết cho gia chủ với ý nghĩa thể hiện tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, cùng chung vui ăn mừng.
Trong ngôi nhà mới, đồng bào Chăm Islam thực hiện nghi lễ đọc kinh, những chàng trai tham gia lễ cúng tạ ơn ngồi thành hàng và cùng với giáo cả đọc kinh cầu phước, cảm tạ ơn các đấng bậc bề trên đã giúp cho gia đình có được ngôi nhà, đồng thời cầu mong cho gia đình làm ăn thuận lợi, phát đạt. Dịp mừng nhà mới, diễn ra các hoạt động văn nghệ truyền thống, các chàng trai cô gái Chăm biểu diễn dân ca, dân vũ trong lễ hội mừng nhà mới…
Sau những nghi thức, những món bánh truyền thống rất đặc biệt, chỉ sử dụng trong những ngày lễ như: bánh Hapum, Hakalim, bánh Bakigah… được mang ra mời khách. Mọi người cùng ăn bánh, uống trà, vui vẻ mừng cho gia chủ.
DH