Những dòng gốm làm nên tên tuổi của gốm Biên Hòa là gốm đất đen và gốm mỹ nghệ. Nguyên liệu chính để sản xuất gốm Biên Hòa là đất sét và cao lanh. Trong đó, gốm đất đen được nung trong lò truyền thống, đốt bằng củi. Công đoạn nung được đánh giá là khâu quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại của mẻ gốm. Mỗi mẻ gốm thường được nung trong khoảng thời gian 10 ngày ở nhiệt độ 1.200 độ C.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về gốm Biên Hòa, để có được màu men xanh đồng trổ bông, ban đầu những nghệ nhân sử dụng chất liệu đất sét vùng Sông Bé, đá trắng An Giang, vôi Càn Long, cùng với tro rơm, tro củi, tro trấu, thủy tinh, mạt đồng, bột màu để tạo nên sắc màu riêng của gốm Biên Hòa. Men gốm xanh đồng trổ bông – Loại men đặc biệt in đậm dấu ấn và hơi thở của vùng đất Biên Hoà, xuất hiện từ những năm 1920. Men xanh đồng trổ bông là loại men khá hẹp nhiệt và khó thành công, tỷ lệ thành công của sản phẩm thấp hơn hẳn so với các loại men thông thường. Do đó, để có được một sản phẩm men xanh đồng trổ bông không phải là chuyện đơn giản.
Ngoài màu men xanh đồng trổ bông, gốm Biên Hòa còn nổi tiếng với màu men đỏ đá ong. Đá ong được khai đào ở độ sâu nhất định, loại đá ong đặc trưng của vùng này có chứa hàm lượng oxit sắt 25%, vì vậy khi trộn màu, đá ong có màu đỏ hơi đậm. Đá đỏ trộn với men trắng sẽ cho ra màu nâu, màu đỏ đậm, màu vàng đất tùy theo tỷ lệ trộn giữa đá và men.
Gốm Biên Hòa là kết tinh của sự giao thoa giữa ba dòng gốm Việt-Hoa-Chăm, với loại men đặc trưng “men xanh đồng trổ bông” đã làm nên sự khác biệt so với những loại gốm khác.
Thanh Xuân