Từ xa xưa, chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, không ai biết rõ áo dài Việt Nam có từ bao giờ. Theo sử sách ghi lại, trang phục phụ nữ của người Việt xưa thường là trang phục với hai tà áo xẻ. Kiểu sơ khai nhất của áo dài xưa là áo giao lãnh có hình dáng tương tự áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông thả. Trải qua thời gian, tiền thân chiếc áo dài được định hình và Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã thiết kế lại, ông được xem là người có công khai sáng cho chiếc áo dài Việt lúc bấy giờ.
Qua thời gian, với nhiều mẫu mã thời trang ra đời cùng với sự đa dạng của các trang phục, nhưng chiếc áo dài truyền thống vẫn luôn được gìn giữ và luôn có một chỗ đứng nhất định như một biểu tượng của Việt Nam, chiếc áo dài luôn hiện hữu trong mọi nơi từ trường học, cho đến công sở, đến ngày trọng đại của người con gái, chiếc áo dài luôn là sự lựa chọn hàng đầu, với màu sắc đỏ rực càng tôn vinh lên nét đẹp của cô dâu trong ngày cưới, hay các dịp lễ tết, sự kiện đặc biệt…
Ngày nay áo dài càng khẳng định vị thế của mình, với các kiểu áo dài cách điệu cùng các hoa văn như những cung bậc tình cảm được gởi gắm vào đó. Như một niềm kiêu hãnh của Việt Nam dù bạn ở đâu, bôn ba khắp mọi nơi trên thế giới thì “ở đâu có phụ nữ Việt – ở đó có áo dài Việt”.
Có lẽ vì sự phổ biến này nên áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của người Việt Nam. Bộ trang phục này càng thú vị hơn khi đó là trang phục cho cả nam và nữ. Áo dài may cho nữ thường bó sát người, có tà xẻ cao; còn cho nam giới bao giờ cũng rộng rãi. Cho dù bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa từ phương Đông đến phương Tây, áo dài vẫn mang nét riêng của mình để không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác. Chiếc áo dài ngày càng được cải tiến theo nhiều kiểu lạ và đẹp với nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài hai tà.
Phương Anh