Du lịch nông nghiệp được xem là xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong tương lai bởi sự phong phú, đa dạng, độc đáo và đặc sắc, mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Ở Việt Nam có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Nếu nhìn trên bình diện của nền nông nghiệp chiếm tới 16% trong cơ cấu GDP, với lao động chiếm trên 42% tổng số lao động cả nước. Đặc biệt, người dân ở khu vực nông thôn chiếm đến 70% dân số, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp.
Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp đang phát triển khá mạnh tại các địa phương và gắn với các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản và nông nghiệp hữu cơ địa phương. Đã có nhiều mô hình triển khai khá thành công về mặt doanh thu gắn với mục tiêu phát huy giá trị văn hoá bản địa, khai thác tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và phát triển các sản phẩm hữu cơ, đặc sản vùng miền… Tuy nhiên, để hình thành mô hình theo tiêu chuẩn cũng như nhân rộng và xây dựng bộ tiêu chuẩn cho phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cho đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển du lịch vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể tại nhiều tỉnh thành dẫn đến việc phát triển du lịch nông nghiệp trên đất nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản cho việc đầu tư xây dựng và mở rộng quy mô. Việc gắn kết các sản phẩm du lịch nông nghiệp thành chuỗi giá trị vẫn còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế phù hợp để tạo ra những giá trị lớn hơn bằng việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu dựa trên giá trị con người và văn hoá bản địa. Ngoài ra, chưa có Ban chỉ đạo hỗn hợp về du lịch với tính chất cần sự am hiểu bản chất cả về nông nghiệp lẫn du lịch để phát huy giá trị tối đa tài nguyên nông nghiệp tại Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp du lịch lữ hành đã đề ra những giải pháp tạo hướng đi cho du lịch nông nghiệp như: Xây dựng đội ngũ nòng cốt tại địa phương đầy đủ về chuyên môn, kỹ năng và nhiệt huyết, gắn bó với cộng đồng địa phương cũng như được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cùng nhau đóng góp và xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả; đào tạo kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ quản lý nòng cốt về việc xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh truyền thông quảng bá, thực hiện các mô hình du lịch nông nghiệp, tập trung vào xây dựng sản phẩm, chuỗi giá trị cho du lịch nông nghiệp và tập trung mạnh vào khâu tiếp thị quảng bá, xây dưng kênh phân phối đa dạng và hiệu quả…
DH