– Vị trí địa lý
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam, có diện tích 5.907,2 km², lớn thứ nhì ở miền Đông Nam Bộ (sau tỉnh Bình Phước). Đồng Nai giáp với các tỉnh, thành như: Tp. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa Vũng Tàu. Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông của Thành phố Hồ Chí Minh – Một thị trường du lịch lớn và là nơi trung chuyển một lượng lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (khoảng 70%). Đây là một lợi thế to lớn của Đồng Nai để thu hút các nhà đầu tư du lịch.
– Địa hình:
Đồng Nai có địa hình đa dạng: đầm lầy và trũng, đồng bằng, đồi lượng sóng, núi thấp… Sự đa dạng về địa hình đã tạo cho vùng đất Đồng Nai có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ thú với nhiều thác, ghềnh, sông, suối, ao, hồ… là điều kiện rất lý tưởng để đầu tư, phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nghiên cứu, khám phá… Đây là một thế mạnh của Đồng Nai so với các địa phương khác để đầu tư du lịch.
– Qũy đất dành cho du lịch:
Đồng Nai là tỉnh có diện tích lớn thứ nhì Đông Nam bộ, có nhiều quỹ đất dành cho đầu tư phát triển du lịch, trong đó có các dự án tỉnh đang mời gọi đầu tư như: dự án du lịch Thác Hòa Bình, huyện Tân Phú (30 ha), dựa án Thác Mai – Hồ nước nóng, huyện Định Quán (14ha), dự án Điểm du lịch Đá Ba Chồng (20 ha), dự án du lịch sinh thái Hồ Trị An, huyện Trảng Bom (61ha); dự án du lịch Hồ Núi Le, huyện Xuân Lộc (112 ha)… và nhiều địa điểm hấp dẫn đang kêu gọi đầu tư khác.
– Khí hậu:
Đồng Nai nằm trong vùng nhiệt đới có gió mùa, có 2 mùa tương đối rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, mùa khô từ tháng 12 đến tháng tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Khí hậu ôn hòa, ít thiên tai, bão lụt, rất phù hợp cho các doanh nghiệp mong muốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định, lâu dài.
– Cơ sở hạ tầng:
Đồng Nai hiện có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc… tương đối hoàn chỉnh.
+ Về giao thông: Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc – Nam; các tuyến đường kết nối liên kết vùng như đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây; các dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng như đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, sân bay quốc tế Long Thành… Khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ kết nối Đồng Nai với các tỉnh, thành trong cả nước, khu vực và quốc tế, tạo điều kiện đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, nhanh chóng. Ngoài ra, Đồng Nai còn có hệ thống giao thông đường thủy với nhiều cầu cảng, bến cảng như cản Đồng Nai, Phước An, Gò Dầu…
+ Về điện, nước: Đồng Nai hiện đang sử dụng nguồn điện lưới quốc gia và đã phân phối, phủ kín đến các phường, xã thị trấn trong toàn tỉnh. Về nguồn nước, năm 2015 công suất nước của Đồng Nai đạt 550.000m3/ngày, đủ cung cấp cho các khu dân cư đô thị và các dự án đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có các nguồn mạch nước ngầm, sông, suối, ao, hồ… phục vụ cho việc sinh hoạt, tưới tiêu…
+ Các dịch vụ khác: Mạng lưới điện thoại, viễn thông của tỉnh đã trực tiếp liên lạc được với các tỉnh, thành trong nước và các nước trên thế giới. Ngoài ra, Đồng Nai còn có hệ thống ngân hàng, bệnh viện, trường học… phát triển mạnh.
Cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không là một lợi thế lớn của Đồng Nai để phát triển du lịch.
– Tài nguyên du lịch:
Đồng Nai là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều thắng cảnh đẹp như VQG Cát Tiên, thác Ba Giọt, Suối Mơ, Hồ Núi Le, sông Đồng Nai, danh thắng núi Bửu Long… Đồng Nai còn sở hữu một khu vực tự nhiên độc đáo, có giá trị khảo cổ như danh thắng Đá Ba chồng, miệng núi lửa, hang Dơi, hồ nước nóng…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Hoa, Stiêng, Chơro, Chăm, Mạ, Tày… với nhiều loại hình văn hóa, phong tục tập quán khác nhau. Đồng Nai hiện còn lưu giữ vết tích của nhiều ngôi làng và các công trình kiến trúc dân gian cổ xưa như làng cổ Phú Hội, làng cổ Bến Gỗ, Cù lao Phố, nhà cổ họ Đào, nhà cổ Trần Ngọc Du, chùa Bửu Phong, Chùa Long Thiền, chùa Đại Giác… Đồng Nai còn nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống như làng gốm Tân Vạn, làng đá mỹ nghệ phường Bửu Long, làng cá bè Tân Mai…
Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn là một lợi thế của Đồng Nai trong việc phát triển du lịch.
– Hỗ trợ của Chính quyền địa phương
Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai. Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, luôn ở bên cạnh, kề vai, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó, khăn vướng mắc. Nếu vấn đề nằm trong thẩm quyền của địa phương thì sẽ tập trung giải quyết ngay, còn nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền thì sẽ tổng hợp, kiến nghị cấp trên có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất, tạo sự an tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư./.