Không biết tự bao giờ, Xòe Thái đã trở thành một hình thức sinh hoạt phổ biến, là giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái. “Xòe” (múa) là loại hình nghệ thuật trình diễn của cộng đồng người Thái ở các tỉnh phía Bắc. Với chủ thể là dân tộc Thái, song Xòe hiện nay đã được nhiều dân tộc trong khu vực tiếp thu và thực hành.
Người Thái đã sáng tạo ra nhiều điệu Xòe. Các điệu Xòe Thái được biểu diễn trong nghi lễ, trong lễ hội truyền thống, trong các sự kiện văn hóa, ngày hội của các dân tộc. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa… Phổ biến nhất là Xòe vòng, đây là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính đệm cho múa. Các động tác múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và thể hiện sự kết nối, đoàn kết giữa các thế hệ, các thành viên cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái.
Nghệ thuật Xòe Thái cũng tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và quan trọng hơn là sự ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Ngày nay, Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa và bản sắc văn hóa đậm đà của người Thái.
Nghệ thuật Xoè đã được UNESCO vinh danh, là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của mỗi thế hệ, mỗi con người đã gìn giữ và phát huy tinh hoa di sản văn hóa nhân loại; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và chính quyền địa phương trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; đưa khách du lịch đến với cộng đồng dân tộc Thái và Nghệ thuật Xòe Thái; mang đến động lực mạnh mẽ, củng cố niềm tự hào và nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân cư.
DH