Trong kháng chiến, Tà Lài là một xã nằm trong tỉnh căn cứ Đồng Nai (tức Chiến khu Đ mở rộng) được Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên xây dựng năm 1951, hiện có tên là xã Tà Lài thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Tà Lài khi xưa là một chốn rừng thiêng nước độc, nằm ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, giáp với rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên. Nơi này có địa thế hiểm trở gần như là một ốc đảo, biệt lập với thế giới bên ngoài nên thực dân Pháp chọn nơi đây làm địa điểm dựng lên một nhà ngục gọi là trại Tà Lài (camp Tà Lài) để giam giữ những người cộng sản yêu nước ở miền Nam (còn gọi là tù chính trị).
Nhà tù Tà Lài là nơi giam giữ những người yêu nước, đảng viên cộng sản. Trong đó có nhiều người đã tham gia các tổ chức yêu nước, đặc biệt các tổ chức Đảng cộng sản, bị kêu án, bắt giam trước đây và có ảnh hưởng lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng. Chính quyền thực dân xếp họ vào hạng đối tượng “nguy hiểm”. Tháng 5 năm 1940, Nhà tù Tà Lài tiếp nhận một đợt tiếp nhận tù chính trị đặc biệt, trong đó có những người từng bị chính quyền thực dân bắt giam trước đó nhiều lần, hoạt động trong các tổ chức cộng sản, như: Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Tào Văn Tỵ, Nguyễn Công Trung, Trần Văn Kiệt, Nguyễn Văn Đức, Trương Văn Nhâm, Tô Ký, Châu Văn Giác…
Ngày 27/3/1941 được sự giúp đỡ của đồng bào, tám Đảng viên cộng sản (ông Dương Quang Đông, ông Trần Văn Giàu, ông Trần Văn Kiệt, ông Trương Văn Nhâm, ông Nguyễn Văn Đức, ông Tô Ký, ông Châu Văn Giác) đã vượt ngục về với cách mạng, trở thành những nhân tố, nòng cốt củng cố Xứ ủy Nam Kỳ góp phần quan trọng trong thắng lợi cách mạng giải phóng miền Nam và xây bảo vệ tổ quốc.
Địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài đã được UBND tỉnh phê duyệt nằm trong danh mục xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định số 4797/QĐ-UBND.
Phương Anh