Trải dài đất nước hình chữ S, Việt Nam có rất nhiều làng nghề truyền thống đã tồn tại lâu đời như: nghề làm hoa sen, nghề đúc đồng, làm tranh Đông Hồ, nghề làm tranh sơn mài,… đặc biệt phải kể đến đó nghề thêu tay – đây được xem là nghề truyền thống có từ lâu đời, tạo nên một sắc thái riêng biệt, góp phần phong phú cho văn hóa Việt Nam.
Trong thời phong kiến, nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho vua chúa và các bậc triều thần. Tại thời điểm này, nghề thêu được biết đến rất nhiều qua những bộ trang phục với đường thêu tinh xảo, hoa văn sắc nét. Từ trang phục thượng triều đến trang phục thường ngày của vua chúa, đại thần, các mẫu trang phục của hoàng hậu, hoàng gia đến các tiểu thư khêu các đều được thêu rất bắt mắt và sang trọng tùy theo địa vị của mỗi người.
Ngày nay, với chất liệu ngày một phong phú, cùng sự ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã đưa nghệ thuật thêu tay lên một tầm cao mới của nghệ thuật qua những bức tranh rất sống động như thật như: cảnh làng quê, chân dung Bác Hồ, phong cảnh, quần ngư hội tụ, thiên điểu… Qua những đường kim mũi chỉ, tranh thêu còn thể hiện được tất cả những hình ảnh xung quanh cuộc sống này như những thăng trầm của lịch sử, những sự vật xung quanh, tất cả được tạo nên với muôn sắc màu qua bàn tay tinh hoa của các nghệ nhân.
Tranh thêu ngày nay rất được ưa chuộng, các bức tranh được đặt trang trọng trong phòng khách như thể hiện tâm tư, ước vọng của gia chủ. Tùy theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, tranh thêu tay ngày nay rất đa dạng và phong phú, các trang phục thêu cũng được khách hàng ưu ái hơn và không chỉ trong nước mà ngay cả các nước bạn trên thế giới cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho nghệ thuật thêu tay của Việt Nam. “Người thợ thêu Việt Nam rất khéo léo trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, để có những bức tranh thêu tay hòa hợp, sống động”…
Phương Anh