Với nhiều sản phẩm, điểm du lịch mới và hấp dẫn, lượng khách và doanh thu từ du lịch ngày càng tăng du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, du lịch Đồng Nai hướng đến trở thành ngành kinh tế quan trọng của trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng Nai đang sở hữu nguồn tài nguyên rừng phong phú với hàng trăm ngàn ha. Những địa danh du lịch sinh thái rừng đã tạo nên thương hiệu riêng cho Đồng Nai những năm qua như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, rừng Thác Mai – bàu nước sôi, núi Chứa Chan… mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan.
Cùng với du lịch sinh thái rừng, Đồng Nai cũng đang có chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn song song với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn thách thức, du lịch Đồng Nai đang nỗ lực để tìm chỗ đứng trên bản đồ du lịch, theo đó hướng du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn về môi trường sinh thái. Điển hình như những vùng du lịch nông thôn đang định hình tên tuổi trên thị trường du lịch trong những năm gần đây, có thể kể đến mô hình du lịch sinh thái vườn tại TP. Long Khánh trải đều ở các địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu như: Bình Lộc, Bảo Quang, Hàng Gòn… Hay như du lịch miệt vườn tại làng bưởi Tân Triều, cam quýt Hiếu Liêm; đặc sản chuối sấy núi Chứa Chan; đặc sản hồ Trị An…
Ngoài ra, một số nơi đã xây dựng phương án kết hợp du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với nhiều mô hình du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ở địa phương… Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tiềm năng phát triển du lịch, lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thu Trang