Dọc theo chiều dài đất nước, có thể nói nơi đâu người Việt cũng biết làm mắm. Tùy theo sản vật địa phương và cách chế biến đôi khi hơi khác nhau, nhưng tất cả đều tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn Việt. Có thể kể đến mắm lóc, mắm linh, mắm thái, mắm ruột của Châu Đốc; mắm ruốc ở Vũng Tàu. Người Khmer ở Sóc Trăng nổi tiếng với mắm bohok; còn dân Tiền Giang, Trà Vinh thì nức tiếng với mắm tôm chà, mắm tép. Miền Bắc đậm chất mắm tôm, mắm cáy; còn miền Trung thì có mắm cá cơm, cá thu…
Mắm tép trở thành món ăn đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng ngon nhất phải kể đến mắm tép Vinh Kim (Trà Vinh). Hơn thế nữa, món mắm tép bạc đất Nam bộ được xem là đặc sản nổi tiếng khắp trong nước và cả nước ngoài, vì hương vị đậm đà, đủ làm hài lòng những thực khách khó tính. Được chế biến từ những con tép bạc đất tươi ngon, không quá to cũng không quá nhỏ, thịt tép lại chắt nịt – đây được xem là nguyên liệu chính để làm ra món tép nổi tiếng nức vùng, bởi phải là tép bạc của xứ miền tây này thì mới có vị đặc trưng và thơm ngon hơn hẳn.
Theo kinh nghiệm những người dân nơi đây, nắng càng gắt thì mắm sẽ càng ngon, con tép trong hủ càng đỏ au thì càng đẹp mà không phải ướp bất kỳ một phẩm màu nào cả. Đặc biệt, người thợ làm mắm phải biết canh thời gian phơi nắng, bởi khi phơi quá lâu mắm sẽ bị rã thành nước. Đối với những người sành ăn, mắm tép sẽ không ngon nếu thiếu đu đủ, xoài sống bào sợi, gừng và ới xắt mỏng ăn kèm với thịt luộc, bún rau sống – sự kết hợp này sẽ làm tăng thêm hương vị đậm đà và đặc trưng của món mắm tép.
Phương Anh