Không chỉ biết đến với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, mà còn không thể nào quên hương vị của những món ăn, những món gia vị làm ngay ngất lòng người. Trong đó, gia vị đặc sắc gắn liền với ẩm thực của đồng bào dân tộc Chăm đó là các món ăn được làm từ trái bứa.
Trái bứa là loại gia vị đặc biệt trong ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, phổ biến sử dụng để kho cá, nấu canh chua, làm nước mắm chấm các món nướng… Độ chua thanh, thơm nhẹ của bứa làm cho hương và vị của các món ăn luôn trở nên đặc biệt.
Cây bứa là loại cây mọc hoang dại, lá màu xanh cho trái một lần vào mùa nước nổi hàng năm, bứa ra trái từ tháng 6 (âm lịch), thường kéo dài trong 3 tháng. Trái bứa phù hợp sử dụng làm gia vị nấu ăn trong gia đình như nấu canh chua thay cho me, làm nước chấm cho món chiên, món nướng.,… Trái bứa có mùi thơm thanh thanh, vị chua chua…khi dùng làm nước chấm, mùi vị tựa như hương vị của trái me dốt, để thưởng thức đúng điệu, trái bứa sẽ được nướng vàng vỏ, rồi đem giầm vào dĩa nước mắm ngon cùng mấy trái ớt bầm giập, ăn với ốc, ăn với cá chiên, cá nướng hoặc có thể làm dưa chua.
Người Chăm đãi khách, chỉ cần sửa soạn nồi cá linh kho lạt, nồi lẩu, hay canh chua, rồi thả vào trái bứa, bên mâm cơm kèm theo đặc sản đồng quê là cá đồng, đĩa rau sống đầy ắp. Trái bứa vừa chín mềm thì dầm ra như dầm me. Người thích ăn bứa, không diễn tả mùi vị của chúng một cách dông dài, cụ thể, chỉ kết luận “ngon đáo để”, khó lẫn vào đâu được.
Có thể nói, cuộc sống của đồng bào dân tộc Chăm bao nhiêu năm qua luôn tự hào vì giữ lại những nét truyền thống riêng biệt. Từ lễ nghi, sinh hoạt hàng ngày, trang phục, ăn uống… Và trong những điều rất nhỏ như giữ lại một loại gia vị là bứa, họ cũng rất chú trọng. Bản sắc của mỗi dân tộc là sự riêng biệt. Mỗi người Chăm luôn có cách để góp phần giữ gìn những đặc trưng của cộng đồng vững bền theo thời gian.
Thanh Xuân