Du lịch Đông Nam bộ nằm trong 7 vùng du lịch Việt Nam, có nhiều tiềm năng về tự nhiên, nhân văn có thể khai thác phát triển du lịch; là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch đa dạng với lợi thế rừng, núi, biển, sông, hồ; hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, văn hóa phi vật thể… Bên cạnh đó, Đông Nam bộ còn có các cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông khá hoàn chỉnh và hiện đại (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường cao tốc, đường xe lửa, cáp treo, du thuyền…) phục vụ du lịch nên khá thuận lợi.
Vùng Đông Nam bộ có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, rừng vàng biển bạc, hệ thống sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, hồ…
Về kết quả hoạt động kinh doanh du lịch, năm 2023, vùng Đông Nam bộ đón và phục vụ 65.300.273 lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước – doanh thu đạt 180.566 tỷ đồng tăng 22,13% so với năm 2022. Du lịch vùng Đông Nam bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch cả nước năm 2023.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực liên kết vùng, đã tích cực phối hợp với các địa phương tham gia và tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch như: ký kết kích cầu du lịch với ngành du lịch TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; tổ chức khảo sát một số điểm đến nổi bật của Đồng Nai cho các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông của các địa phương. Thời gian tới, khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, giao thông kết nối vùng được thông suốt… sẽ tạo ra những cơ hội mới cho du lịch ĐNB. Do đó, để tạo đà phát triển cho du lịch cấp vùng, cần có sự đóng góp của các tỉnh, đưa ra thông điệp chung cho du lịch Đông Nam bộ.
Thanh Xuân