Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Sở VHTTDL, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trong các lễ hội truyền thống gắn với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Đồng Nai. Một số địa phương đã thực hiện có hiệu quả mô hình phát triển du lịch thông qua các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Người Mường hay còn gọi là Mol, Moan, Mual là tộc người thiểu số sống tập trung tại vùng núi phía Bắc, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường. Năm 1954, một bộ phận người Mường ở các tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình di cư vào Đồng Nai chọn vùng đất Định Quán làm nơi sinh sống, kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp với khoảng 1.600 nhân khẩu.
Người Mường ở Đồng Nai có nhiều di sản văn hóa vật thể đặc trưng tiêu biểu cho phong tục tập quán. Những hiện vật chứa đựng trong đó ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Những hiện vật thường thấy như: mâm gỗ, dao đi rừng, dao bài, ngư cụ, nơm, đó, giỏ mây tre, giỏ đeo, điếu cày, trái đúm (trái còn), gối, mền… tuy là những hiện vật giản dị, đơn sơ nhưng chất chứa nhiều đặc trưng văn hóa của một dân tộc.
Người Mường có rất nhiều lễ hội thể hiện tính cộng đồng, phản ánh đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước như: Lễ khai hạ, lễ xuống đồng, lễ rửa lá lúa, lễ mừng cơm mới… Tết Nguyên Đán là lễ quan trọng nhất trong năm với nhiều tục lệ được người Mường gìn giữ, bảo lưu đến nay và có nét tương đồng với người Kinh (dọn dẹp nhà cửa, dựng cây nêu, chưng hoa quả, gói bánh chưng, nấu cơm nếp…).
Thanh Xuân