Nghệ thuật truyền thống và hoạt động du lịch luôn song hành với nhau. Múa dân gian dân tộc là hình thái văn hóa phổ biến của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được lưu truyền từ đời này qua đời khác, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của từng dân tộc và được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Việc khai thác nghệ thuật múa dân gian dân tộc vào hoạt động du lịch sẽ giúp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du khách.
Trong mỗi chuyến đi du khách không chỉ tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn mong muốn trải nghiệm văn hóa bản địa. Nghệ thuật múa dân gian dân tộc đã và đang góp phần không nhỏ trong sự phát triển ngành Du lịch thời gian qua. Nhiều điệu múa, tiết mục múa đã lôi cuốn khách du lịch bởi sự độc đáo riêng có của văn hóa mỗi vùng miền. Sự kết nối giữa du lịch với nghệ thuật múa dân gian dân tộc đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, từ đó lan tỏa, quảng bá những giá trị văn hóa tới du khách.
Để mỗi tác phẩm múa dân gian dân tộc phục vụ du khách đều mang hơi thở, dấu ấn văn hóa Việt Nam, đồng thời phát huy tốt nghệ thuật múa dân gian dân tộc trong phát triển du lịch, trước hết cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các phương án điền dã, khai thác và phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian dân tộc của các vùng miền, dân tộc thiểu số phù hợp với sản phẩm du lịch; phục dựng lại các hình thức văn hoá tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của các dân tộc; đảm bảo sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong biên đạo, trong biểu diễn nhưng phải giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc; đổi mới các chương trình nghệ thuật để tạo sự phong phú, sinh động, đủ sức hấp dẫn để thu hút khách quay lại với điểm đến du lịch. Bên cạnh đó nâng cao đào tạo đội ngũ đạo diễn, biên đạo múa, diễn viên múa có trình độ chuyên môn, hiểu biết về văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền… Việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm múa dân gian dân tộc đặc sắc, lồng ghép trong các chương trình du lịch cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh…
DH