Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nhận thức rất rõ vai trò của văn hóa ẩm thực trong việc định hướng phát triển ngành du lịch. Cùng với các loại hình du lịch hiện nay như: du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch chữa bệnh, du lịch tâm linh…thì du lịch ẩm thực ngày nay càng phổ biến, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển du lịch.
Trên thế giới, một số quốc gia như: Pháp, Ý, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…ẩm thực đang được họ định vị như một thế mạnh góp phần tạo nên sự khác biệt, thu hút du khách bởi những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ở từng vùng miền khác nhau sẽ thể hiện thói quen, phong tục tập quán, lịch sử, văn hóa của vùng miền ấy. Sẽ là một thiếu sót lớn trong hành trình du lịch khám phá mà không có dấu ấn của một món ăn, thức uống nơi vùng đất mình đã đi qua. Bên cạnh đó, những gia vị để tạo ra các món ăn cũng rất đa dạng, từ các loại rau củ quả đến nước chấm đã tạo nên sự độc đáo cho món ăn Việt Nam. Một bát phở nóng, một ổ bánh mì hay một dĩa cơm sườn tuy quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam nhưng lại là những món ăn đặc biệt với người nước ngoài bởi hương vị lạ lẫm với cách nêm nếm hết sức đặc biệt mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Ẩm thực là cách tốt nhất để tìm hiểu về đất nước, con người hay một nền văn hóa.
Để ẩm thực Việt Nam ngày càng phát huy hơn nữa vai trò thu hút khách du lịch, thiết nghĩ ngành du lịch cần đẩy mạnh việc tổ chức, tham gia các sự kiện quảng bá ẩm thực trong và ngoài nước, các cuộc thi chế biến món ăn; xây dựng các tiêu chí định hướng, bình chọn thương hiệu ẩm thực; có những giải pháp quy hoạch cụ thể, đồng bộ và chặt chẽ trong việc quản lý; nâng cao số lượng và chất lượng các tour du lịch, lớp học nấu ăn dành cho du khách; chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực ẩm thực, ngoài ra, nên tiến hành quy hoạch những khu ẩm thực đường phố chuyên phục vụ du khách.
Phương Anh