Vườn quốc gia Cát Tiên vốn gắn bó với cuộc sống của cư dân bản địa, đặc biệt là người Mạ và Stiêng cư trú lâu đời ở khu vực Tà Lài. Nếu bạn là một người yêu thích tìm hiểu và khám phá bản sắc của 54 dân tộc anh em tại Việt nam thì đừng bỏ qua cơ hội đến với Tà Lài nơi các dân tộc anh em như Stieng, Mạ, Tày, Nùng sống với nhau rất gần gũi.
Làng Tà Lài thuộc xã Tà Lài huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai, vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nơi đây có khá đông người Mạ, X’tiêng sinh sống. Người Mạ, người X’tiêng có những nét văn hóa khá độc đáo trong quá trình sinh tồn gắn liền với địa bàn rừng núi miền Đông Nam Bộ, các giá trị văn hóa vẫn bảo lưu những phong tục, tập quán khá độc đáo.
Người Mạ còn được gọi là Châu Mạ, với các nhóm địa phương: Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn. Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer. Người Mạ sống thành từng làng, mỗi làng có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu làng là trưởng làng. Người Mạ làm nương rẫy, trồng lúa, ngô, bầu, bí, thuốc lá, bông… với công cụ thô sơ như dao xà gạc, cuốc xà bách, rìu, gậy chọc lỗ… Ở vùng lưu vực sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên), họ làm ruộng nước bằng kỹ thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để giẫm đất, đến khi sục bùn thì gieo lúa giống (xạ lúa). Người Mạ nuôi trâu, bò theo cách thả rông, lùa vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về.
Người Stiêng còn được gọi là Xađiêng, phân biệt hai nhóm Bù Đéc và Bù Lơ. Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, chủ yếu làm rẫy, sống gần gũi với người Mnông và người Mạ. Tiếng Stiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer. Người Stiêng quan niệm “vạn vật hữu linh”, tin vào sức mạnh của sấm, sét, trời, đất, trăng, mặt trời. Tính chất thiêng liêng và quyền uy của thần được quy ước bằng vật hiến sinh màu trắng: gà trắng, lợn trắng, trâu trắng. Nhạc cụ của người Stiêng thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái, bộ cồng 5 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong hội lễ, cả trong bộc lộ tình cảm, hòa giải xích mích giữa các gia đình. Ngoài chiêng, cồng còn có khèn bầu, sáo… cũng được ưa thích.
Mặc dầu có những nét văn hóa bị mai một, song cộng đồng này vẫn bảo lưu những phong tục, tập quán khá độc đáo. Đó là lễ hội đâm trâu, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, hệ thống những tri thức bản địa của người Mạ, X’tiêng trong khai thác tự nhiên…
Thanh Xuân