Khi những sắc hoa rừng vươn mình khoe sắc thắm, đồng bào dân tộc Tày ở ấp 8, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) lại nô nức kéo nhau ra sân trường phân hiệu Bàu Liên, ấp 8 vui hội Lồng Tồng.
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là “xuống đồng” là hoạt động tín ngưỡng gắn liền với nền nông nghiệp của đồng bào Tày. Đây là dịp để mong cầu các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm.
Mang đậm ý nghĩa phồn thực, vật cúng lễ được người Tày chuẩn bị rất chu đáo, các lễ vật được bày biện cầu kỳ bắt mắt và mang tính truyền thống như: bánh khảo, bánh bỏng, bánh chè lam, bánh chưng người Tày, gà luộc, lợn đen… Ngoài ra còn có thêm các sản phẩm nông nghiệp do người dân trồng trọt trong vụ mùa vừa qua và các dụng cụ lao động sản xuất phục vụ nông nghiệp.
Cũng như nhiều lễ hội của các dân tộc khác, hội Lồng Tồng gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu… Phần hội thì có các trò chơi của dân làng như: đu quay, trèo cột, chọi gà, đánh yến, đánh sết, hát cọi, hát lượn… thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của cư dân lúa nước.
Có thể nói, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi… Lễ hội Lồng Tồng còn được xem là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Thu Trang