1. Cù Lao Phố:
Từ thác Trị An chảy ra biển đông, dòng chảy sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ trong đó ở địa phận Biên Hòa dòng chảy bỗng chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất. Đó chính là Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông nại Đại Phố- nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa với diện tích 6,93km2.
Sử sách chép : năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người xin cư trú tại việt Nam và được Chúa Nguyễn chấp thuận cho vào đất Đông Phố (nay là Cù Lao Phố) khẩn hoang. Khi đến Cù Lao Phố, Ông đã cùng người dân địa phương xây dựng nơi đây thành thương cảng lớn. Đường xá được mở rộng, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu ngoại quốc lui tới buôn bán.Trong lịch sử phát triển của mình cù Lao Phố phát triển nhiều ngành nghề như : dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường.
Thế nhưng cuộc chiến năm 1776 giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù Lao phố, nay không còn dấu vết. Thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.
Từ sau ngày giải phóng, người dân Cù Lao Phố đã biến cải vùng đất này thành vựa lúa lớn của Biên Hòa. ở Cù Lao Phố hiện nay còn 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 ngôi miếu. Có thể nói Cù Lao Phố còn tồn tại nhiều dạng hình thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen hòa trộn lẫn nhau
2. Chùa Đại Giác:
Chùa Đại Giác nằm trên địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), là một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Biên Hòa, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hai ngôi chùa còn lại là chùa Long Thiền (Nhơn Trạch) và chùa Bửu Phong (Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long). Chùa có kiến trúc hình chữ đinh, diện tích khoảng 1000m2 gồm 3 phần chính: chánh điện, giảng đường và nhà trù.
Chùa Đại Giác được dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII bởi nhà sư Thành Đẳng – một trong số những đệ tử của tổ sư Nguyên Thiều phái Lâm Tế (gốc Quảng Đông -Trung Quốc).
Năm 1779, công chúa thứ ba của vua Gia Long là Nguyễn Thị Ngọc Anh, trên đường chạy loạn quân Tây Sơn đã có thời gian trú ngụ tại chùa. Sau này, khi lên ngôi, Nguyễn ánh nhớ ơn đã ban chiếu trùng tu và phụng cúng pho tượng A-di-đà lớn bằng gỗ cao 2,56m. Vì vậy nhân dân địa phương còn gọi là chùa Phật lớn. Đến thời Minh Mạng, chùa tiếp tục được tu sửa. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng một bức hoành phi lớn đề ba chữ “Đại Gíác Tự” treo trước chánh điện.
Năm 1952, do ảnh hưởng lũ lụt, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được trùng tu lại. Tiếc thay, kết cấu cũ bị sửa đổi ít nhiều, vách ván, cột gỗ đã bị thay thế bằng tường gạch, cột bê tông.
3. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh:
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố).
Năm 1968, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Ông đã đặt tên cho đất mới là phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, chia phủ ra làm 2 huyện: Phước Long và Gia Định, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, lập bộ đinh bộ điền và chiêu mộ lưu dân từ Ngũ Quảng vào Đồng Nai.
Mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Mặt trước đền có gắn đôi rồng chầu pháp làm bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân. Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tuờng.
Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 16/05 và ngày 11/01 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đế công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương nam.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một di tích lịch sử-văn hóa đã được nhà nước xếp hạng
4. Di tích lịch sử Chùa Ông:
Chùa Ông thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), thành phố Biên Hòa, cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh chỉ khoảng 100 mét. Trước đây Chùa là Miếu Quan Đế, ngày nay có tên chữ là Thất Phủ Cổ Miếu. Đây là ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam bộ (khoảng năm 1684).
Chùa Ông được xây dựng theo kiến trúc chữ khẩu. Bên ngoài chùa là cả một công trình độc đáo các tượng gốm men xanh của thợ gốm Cây Mai (Chợ Lớn) về các đề tài như hát bội, hát tuồng, múa hát cung đình, tượng ông Nhật bà Nguyệt…Thêm vào đó, các tạo tác bằng đá ở mặt tiền chùa do thợ đá Bửu Long tạo ra đã tạo nên kiểu thức đặc trưng cho kiến trúc Minh Hương trên vùng đất Biên Hòa.
Là một cơ sở tín ngưỡng, với kiến trúc khá độc đáo, chùa Ông là điểm đến của nhiều du khách gần xa tới tham quan, nghiên cứu, chiêm bái và cầu lộc.
5. Khu du lịch làng bưởi Tân Triều:
Một địa danh nổi tiếng gắn liền với đặc sản bưởi Biên Hòa, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Nơi đây có rất nhiều loại bưởi như: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi…Đất Tân Triều màu mỡ phù sa, nguồn nước dồi dào nên rất thích hợp với cây bưởi phát triển nhanh, chất lượng tuyệt hảo. Bưởi tân Triều không chỉ được biết đến ở địa phương, mà cả trên toàn quốc và nhiều nước khác. Mùa thu hoạch, vườn bưởi trái trĩu cành, oằn nặng dưới các tàng cây, sà trên mặt đất, chờ tay du khách tự hái và thưởng thức vị ngọt Đồng Nai.
6. Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long:
Chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hoà 6 km, Khu du lịch Bửu Long và hồ Long Ẩn như một bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long: các vách đá soi bóng trên mặt nước hồ trong xanh tạo ra một quang cảnh hấp dẫn của thiên nhiên mỹ lệ: núi cao, hồ rộng, hài hoà với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại.
Ðến Bửu Long, du khách sẽ được du ngoạn trên mặt hồ bằng tàu thủy, hoặc pédallo thiên nga, tham gia cuộc chơi leo núi thể thao, cắm trại trong vườn cây râm mát và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản.
Cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn; có Thiên Hậu Miếu cổ kính; có hang đá Long Sơn Thạch Ðộng hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá rủ xuống đầy vẻ huyền bí. Sau khi tham quan hồ, leo núi vãn cảnh chùa, vui thú với các trò chơi trên mặt nước, du khách còn có thể kết hợp về thăm làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, tham quan làng nghề đục đá truyền thống Bửu Long mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17 ở ngay chân núi.
Trung tâm Văn Hoá Du Lịch Bủu Long và chùa cổ Bửu Phong là hai di tích xếp hạng quốc gia.
Bửu Long với hồ Long Ẩn là nơi hấp dẫn khách du lịch dã ngoại tìm đến thiên nhiên trong một ngày nghỉ thư giãn
7. Văn miếu Trấn Biên:
Năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa – giáo dục của vùng đất này.
Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở Nam Bộ. Theo thuật phong thủy, nơi xây dựng văn miếu là chỗ đất tốt. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ :”phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên”. Văn miếu đã trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852.
Hàng năm, vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu, đích thân chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Sau năm 1802, vua Nguyễn ủy nhiệm cho quan Tổng trấn thành Gia Định, Tổng trấn Biên Hòa và quan Đốc học hàng năm đến đây hành lễ thay nhà vua.
Năm 1861, Văn Miếu bị thực dân Pháp tàn phá hoàn toàn khi đánh chiếm Tỉnh Biên Hòa.
Năm 2002, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại trên nền Văn miếu xưa thuộc phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long. Văn miếu ngày nay là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa Việt Nam và Nam Bộ, bảo tồn và ghi danh các đơn vị, cá nhân có thành tích cao, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa và lễ hội dân tộc.
8. Toà nhà lầu của ông phủ Võ Hà Thanh:
Qua cổng chính Khu du lịch Bửu Long (đường 24), du khách sẽ đến được nhà ông phủ Thanh – tòa nhà nổi tiếng được xây dựng cách nay hơn ba phần tư thế kỷ theo lối kiến trúc Pháp.
Võ Hà Thanh sinh năm 1876 xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha vào Biên Hòa từ khi còn nhỏ. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để sinh sống: làm thuê, mở hầm khai thác đá, làm nghề xây dựng, lập đồn điền cao su… và dần dần trở nên giàu có, trở thành chủ đồn điền lớn của Tỉnh Biên Hòa, trở thành đốc phủ sứ và được chính phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng.
Tòa nhà được xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố Biên Hòa và là tư gia lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, với vật liệu xây dựng toàn bộ đặt mua từ Pháp được chở về bằng tàu biển.
Năm 1947, Võ Hà Thanh qua đời, con cháu lập khu lăng mộ với kiến trúc đá có tính nghệ thuật cao, nằm ngay trên đường vào khu Văn Miếu Trấn Biên.
Đến thăm tòa nhà của ông Phủ Thanh, du khách hãy quá bộ đến khu lăng mộ để hiểu thêm về một người xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, phiêu bạt và đã gầy dựng sự nghiệp lớn lao như thế nào.
9. Làng gốm Tân vạn – Hóa An:
Theo quốc lộ 1A, du khách từ hướng Thành phố Hồ Chí Minh tới đầu cầu Đồng Nai rồi rẽ trái, đi thêm khoảng 1km thì tới làng gốm Tân Vạn.
Lò gốm đầu tiên ở Tân Vạn xây dựng năm 1878, sau đó hình thành làng nghề chuyên làm lu, hũ cung cấp cho dân cư hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi làm nghề nước mắm như Bình Thuận, Phú Quốc.
Các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa từ thời ấy đã triển lãm ở nhiều nước, được tặng nhiều huy chương, bằng khen danh dự ở Pháp, Nhật, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Réunion. Biên Hòa cũng là nơi khai sinh gốm mỹ nghệ hiện đại (năm 1963) với cha đẻ là cựu giáo sư Lê Bá Đáng của trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa.
Ngày nay, các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, xã Hóa An có gần 100 xưởng gốm mỹ nghệ lớn nhỏ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa chỉ trong ba phần tư thế kỷ đã lan tỏa thành gốm Bình Dương, gốm thành phố Hồ Chí Minh, gốm Vĩnh Long và đi khắp nơi góp phần tô điểm thêm cái đẹp cho đời.
10. Đền thờ nguyễn Tri Phương:
Nguyễn Tri Phương là một dũng tướng mưu trí thao lược cuối thế kỷ 19, cũng là người có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ớ các tỉnh Nam Bộ. Sau khi ông mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng, nhân dân Biên Hòa đã xây ngôi đền thờ tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Đền đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.
Vào các ngày lễ, nhân dân nhiều địa phương tụ họp về đây để dâng hương cầu phúc. Hàng năm vào trung tuần tháng 10 âm lịch, tại đền có tổ chức lễ Kỳ Yên kéo dài trong ba ngày với nhiều nghi thức cổ truyền. Nhân dân ở các nơi gần xa đều đến tham dự đông đảo.
11. Đền Hùng:
Đền Hùng Vương ở Bình Đa là nơi thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương. Đền toạ lạc bên quốc lộ 15, thuộc khu phố 3, phường Bình Đa, Thành phố Biên Hòa. Đền được xây dựng từ năm 1968, hoàn thành năm 1971, do 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp vận động nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng. Ngoài việc thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương, đền còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trưởng lão đã có công khai dựng đền.
Lễ chính tức ngày Giỗ tổ Hùng Vương được cử hành vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài ra, đền còn tế lễ vào ngày sinh của Hồ Chủ tịch (19/5). Vào dịp chính lễ, việc tổ chức và tiến hành các nghi thức tế lễ do Ban Quản lý đền Hùng đảm nhận. Họ chọn ra một người có đức độ, uy tín trong vùng mặc lễ phục cung kính dâng hương, trà, tửu theo tấu nhạc lễ. Trước lễ tế vua Hùng là lễ yết. Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa xin phép Bác Hồ, cùng Bác dâng lòng thành lên tổ tiên. Sau đó, lễ tế chính thức vua Hùng mới thực hiện sau.
12. Nhà lao Tân Hiệp:
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, đi theo Quốc lộ 1 khoảng 3km về phía Bắc, sẽ thấy Nhà lao Tân Hiệp. Nhà lao thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, nay được gọi là Trung tâm Cải huấn Biên Hòa.
Tại đây, chiều chủ nhật ngày 02/12/1956, khi tiếng kẻng vang lên để lính gác tháp đổi phiên, các tù nhân – Đảng viên Cộng sản đã chia nhau chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, điện thoại, kho súng và khống chế Giám đốc trại, các giám thị, yểm trợ cho hơn 400 cán bộ, đảng viên nổi dậy chạy thoát ra ngoài, trong đó có một số Đảng viên sau này giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và nhà nước Việt Nam.
13. Di tích nhà Xanh:
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, theo Quốc lộ 15 tới ngã ba Máy Cưa, rẽ tay phải khoảng 500m, du khách sẽ tới Nhà Xanh, nơi trước đây là Sở chỉ huy Tiểu khu Biên Hòa của thực dân Pháp.
Khuôn viên Nhà Xanh rộng hơn 1ha, xây dựng theo lối biệt thự Pháp gồm hai tầng, cấu trúc các tầng đều giống nhau, nóc nhà lợp ngói vảy cá, xung quanh là các trại lính canh gác chặt chẽ ngày đêm. Tại đây, ngày 7/7/1959, đã diễn ra trận đánh gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới. Phân đội đặc công Việt Nam chỉ gồm 5 người đã tập kích vào Nhà Xanh chớp nhoáng và bất ngờ, sát thương 2 cố vấn Mỹ và một số sĩ quan bị thương (ở Mỹ, tại Đài tưởng niệm binh sĩ Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam, đây là hai sĩ quan có tên đứng đầu trong danh sách).
Trận đánh thể hiện tinh thần, ý chí tiến công của quân dân Biên Hòa, vạch trần âm mưu xâm lược của Mỹ và bản chất tay sai của chính quyền bù nhìn Sài Gòn
Nhà Xanh được Bộ VH-TT công nhận là di tích quốc gia năm 1986.
14. Đình Tân Lân:
Đình Tân Lân tọa lạc giữa vùng dân cư đông đúc, trên đường Nguyễn Văn Trị, thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Đình đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tương truyền, đình Tân Lân ban đầu là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai khẩn và phát triển vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Sau hai lần dời chuyển, ngôi đình có vị trí như hiện nay. Hàng năm, vào ngày giỗ Trần Thượng Xuyên, nhân dân tổ chức rất lớn theo các nghi thức cổ truyền.
15. Nhà hội Bình Trước:
Nhà hội Bình Trước toạ lạc tại trung tâm thành phố Biên Hòa, đối diện Bệnh viện tỉnh Đồng Nai, thuộc phường Thanh Bình, do viên tỉnh trưởng người Pháp tên là Bolen xây dựng năm 1936, làm nơi hội họp và làm việc của hương chức hội tề địa phương. Nhà hội Bình trước còn là di tích cách mạng của tỉnh, là nơi thành lập Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Biên Hòa sau khi giành được chính quyền năm 1945
16. Lăng mộ Trịnh Hoài Đức:
Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là danh nhân văn hóa Việt Nam, người mang trong mình hai dòng máu Việt-Hoa, nhưng Trấn Biên đã là quê hương ông từ thuở lọt lòng.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm giữa Quốc lộ 1 và đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Mộ ông được xây cạnh mộ vợ, xung quanh có bờ thành bằng đá. Phía trước bia mộ là bệ thờ mang dáng vẻ một cái bàn thờ nhỏ được chạm khắc tỉ mỉ. Bia mộ được trang trí hoa văn đẹp mắt, màu sắc hài hòa với toàn cảnh lăng mộ. Trên tường thành phía sau hai ngôi mộ là bức phù điêu xi măng hình rồng cuốn mây.
Hàng năm, vào dịp Thanh Minh, nhân dân nhiều nơi không quên công lao và đức độ của Trịnh Hoài Đức, đã tụ họp về đây làm lễ viếng ông.
17. Đền thờ Đoàn Văn Cự:
Đền thờ thuộc địa phận phường Tam Hiệp, bên quốc lộ 15 được xây dựng năm 1956, có diện tích khoảng 3.000m2. Đền là nơi nhân dân tôn thờ Đoàn Văn Cự – thủ lĩnh hội kín “Thiên Địa Hội” ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh đã tử trận trong cuộc tấn công của Pháp vào Bưng Kiệu năm 1905.
Đền gồm có ba nhà chính. Nhà võ ca diện tích 304m2, nằm đối diện với đền thờ chính, bên trong có một sân khấu nhỏ bằng gỗ. Đây là nơi tổ chức hát bội, biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ đền. Hằng năm, vào ngày 08 tháng 04 âm lịch, nhân dân địa phương làm lễ giỗ rất long trọng để tưởng nhớ hùng khí Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã xả thân vì nước.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đồng nai