Xã Tà Lài (huyện Tân Phú) có địa hình cảnh quan đa dạng, với núi non hùng vĩ, dòng sông Đồng Nai uốn khúc chảy qua làm cho ruộng đồng xanh tốt. Làng Tà Lài nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, tách biệt với không gian đô thị.
Tà Lài là một trong những xã vùng sâu, nằm cách xa trung tâm huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) khoảng 20km. Đây là nơi sinh sống của bà con đồng bào 2 dân tộc Mạ và S’Tiêng. Không chỉ có cánh đồng lúa với những cây dầu thẳng tắp, Tà Lài ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai còn có nhiều nét văn hóa độc đáo của hai dân tộc Châu Mạ và S’tiêng đang cần được phát huy để làm du lịch. Mô hình hoạt động du lịch cộng đồng đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa cộng đồng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống đối với người dân địa phương.
Ngoài ra, dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống tiêu biểu nhất. Ngoài thời gian làm nương rẫy, người phụ nữ đồng bào Châu Mạ lại gắn mình bên khung cửi. Nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ khá đặc sắc, tạo ra những sản phẩm mang tính riêng biệt như khăn quàng cổ, những tấm vải nhiều màu sắc với các họa tiết hoa văn tinh tế như: con người, con mắt, con trâu, con dê, con bướm, chim chóc, cây cối, con khỉ, hình ảnh mặt trời, cây đèn sáp, bàn thờ thần linh… Tất cả những họa tiết hoa văn với cách thể hiện cách điệu đều có ý nghĩa riêng của chúng. Hầu hết, nó liên quan đến tư duy của cộng đồng người Châu Mạ về cuộc sống, thế giới, và những kinh nghiệm được đúc kết, trải nghiệm qua bao đời. Chúng được thể hiện trên thổ cẩm với những nét tinh tế, sắc sảo qua sự khéo léo của mỗi người dệt; đặc biệt là những nghệ nhân.
Đến với Tà Lài, du khách có thể lưu trú, ăn uống, trekking, đạp xe khám phá rừng, trải nghiệm văn hóa bản địa hay đến tham quan vườn ca cao để thưởng thức ca cao tại vườn. Mọi người có thể mua những chiếc vòng đeo tay, túi xách, khăn được dệt thổ cẩm để ủng hộ cải thiện đời sống của người địa phương.
Phương Anh