Lá nhíp là lá rừng, rau rừng mọc quanh năm ở các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai. Rau nhíp vị ngọt nhẹ, béo bùi, làm ngon miệng, lá nhíp còn là món ăn bổ dưỡng, giàu năng lượng, và đặc biệt có tác dụng lợi sữa cho các bà mẹ sau sinh, hàm lượng protein cao trong lá nhíp…
Ở vùng huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, bà con dân tộc Châu Mạ, người S’tiêng đã quen thuộc với hương vị cây măng, đọt mây, lá nhíp, dớn choại, cà đắng… Ngày nay, xu thế phát triển du lịch sinh thái tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên, việc du khách tìm đến huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) nghỉ dưỡng, khám phá rừng, tìm hiểu văn hóa bản địa đã đưa các món rau quả rừng nơi đây thành đặc sản được nhiều người thưởng thức.
Cây rau nhíp còn có tên gọi khác là cây lá bép, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm. Nhíp là loại cây rừng, cây dại cỡ nhỏ, thấp, dạng dây leo chuyển hóa thành gỗ, thường mọc ở bìa rừng, nơi ẩm thấp. Lá nhíp có hình dạng, kích thước gần giống với lá chôm chôm, lá nhãn. Hoa có cấu tạo hoa nguyên thủy dạng nón, đơn tính khác gốc. Lá nhíp mọc quanh năm. Thời điểm lá nhíp ngon nhất là sau khoảng 5 – 6 trận mưa đầu mùa khiến đọt mầm bung nở, tươi mát nhất.
Người đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng, người M’Nông… dùng lá nhíp để xào, nấu canh với cá suối, tép suối, nhúng lẩu, là nguyên liệu chính nấu món canh thụt…. Đến với Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), đĩa lá nhíp xào tỏi, xào thịt bò hay lòng gà, tô canh lá nhíp nấu tép đồng, hay rổ lá tươi nõn nhúng lẩu cá lăng sông. Còn nhiều món ăn hấp dẫn khác ở Vườn quốc gia Cát Tiên như đọt mây, măng tươi, rau cánh bướm, các loại cá suối nhỏ chiên giòn cuốn rau rừng, là những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực đặc sản núi rừng nơi đây.
Thu Trang