Theo thói quen của người miền Tây sông nước, Lẩu cù lao là món ăn mang đậm dấu ấn địa phương, trở thành nét độc đáo trong nền ẩm thực phong phú của người dân miền Tây. Đây là món nhất định phải có trong các dịp quan trọng, đặc biệt là các đám hỏi. Lẩu cù lao hay còn có tên gọi khác lẩu thở, lẩu than là món ngon hút khách của người dân miền Tây.
Chiếc nồi bằng nhôm hoặc inox, kết hợp giữa một chiếc thau với ống cao hình trụ rỗng ở giữa như cái cù lao mọc giữa sông. Ống khói rỗng dùng để đựng than, làm chín thức ăn. Điều đặc biệt là chiếc vung cũng khoét một lỗ tròn ở giữa cho nồi lẩu… thở. Về cách chế biến tuy không cầu kỳ nhưng đòi hỏi người nấu phải chế biến công phu với nhiều nguyên liệu. Lẩu cù lao có bắt mắt, đủ sắc hay không là phải nhờ tay người tỉa cà rốt, bắp cải, củ cải trắng, hành lá, ngò rí, ớt đỏ trang trí. Hoa, lá tỉa xong được ngâm vào nước đá lạnh để giữ độ tươi và nở xòe đẹp mắt.
Nguyên liệu của món ăn phải từ 10 đến 20 món, cù lao chuẩn ngày xưa phải được 19 món, trong đó, nước dùng là một trong những yếu tố then chốt, phải được nấu từ xương, tôm khô, khô mực nướng hoặc nước dừa tươi… mới tạo được độ ngọt tự nhiên. Ngoài ra, còn thêm củ sắn, củ cải trắng, cà rốt, bắp cải, bông cải để thêm hương vị. Hầu hết các thành phần trong lẩu cù lao đều được sơ chế chín, chỉ cần bày biện, dọn lên bàn ăn, đợi sôi và thưởng thức. Các lớp rau củ, thịt được xếp xen kẽ theo từng lớp quanh nồi lẩu cù lao, rồi nước lẩu mới được thêm vào.
Lẩu cù lao, thường được gọi là cù lao đã trở thành một nét chấm phá trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Tây Nam bộ trong nhiều dịp trọng đại như lễ cưới hỏi, đám giỗ, lễ Tết. Có lẽ bởi hình dáng của chiếc cù lao cũng giống như một vùng đất nổi lên giữa bốn bề sông nước mà nó có cái tên lạ lẫm như thế và thể hiện sự sáng tạo của người dân, hình thành nên món ăn mang đậm dấu ấn bản địa, không thể nhầm lẫn.
Phương Anh